Nhìn lại 75 năm quá trình hình thành và phát triển cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh Trà Vinh

Cách mạng tháng Tám thành công, tình đoàn kết Kinh- Khmer-Hoa được phát triển một bước quan trọng, nội dung bình đẳng dân tộc được Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua. Nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc lại bùng nổ. Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh tích cực triển khai các hoạt động đánh địch, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giác ngộ quần chúng, vạch trần âm mưu thâm độc, xảo quyệt của thực dân Pháp, củng cố đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là mối quan hệ các dân tộc trong tỉnh. Năm 1948 cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh được thành lập trực thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, với 02 cơ quan tiền thân đó là Ban Khmer vận và Ty Huê kiều vụ.

1. Giai đoạn 1948-1954

Ban Khmer vận ông Sơn Phước Rọth được phân công làm Trưởng Ban, ông Maha Sơn Thông làm Phó Trưởng Ban và ông Breach Thôn làm ủy viên thư ký, với nhiệm vụ tuyên truyền, vận đồng bào cảnh giác với âm mưu chia rẽ giữa các dân tộc trong tỉnh; vận động quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào Khmer tham gia kháng chiến, đồng thời lãnh đạo đồng bào thực hiện theo chủ trương của Đảng, giảm tô, giảm tức và tạm cấp ruộng đất cho nông dân, tham gia xây dựng chính quyền, đoàn thể cấp huyện và xã, nhất là Ban Khmer vận ở các huyện, xã có đông đồng bào Khmer sinh sống lần lượt ra đời, cũng trong thời gian này Hội ủng hộ Issrak tỉnh và đội võ trang tuyên truyền đặc trách Ban Khmer vận tỉnh được thành lập, lễ ra mắt tại ấp Trà Trót, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú. Ông Keo Sa Rây làm đội trưởng, ông Huỳnh Bửu Kính làm đội phó, ông Thạch Thiện Chí (Thạch Sửu) làm Chính trị viên. Hoạt động của đội rất có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng, lúc đầu quân số của đội tương đương với một trung đội, chỉ sau vài tháng hoạt động, lực lượng của đội đã phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng tương đương với một đại đội, đánh thắng trên các mặt trận, trong đó đáng lưu ý nhất là “Chiến dịch Trà Vinh” đầu năm 1950 đã giải phóng gần 2 vạn dân thoát khỏi sự kiểm soát của địch. Chiến công nối tiếp chiến công, đưa đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp Trà Vinh cùng cả nước đến ngày thắng lợi năm 1954.

Ty Huê Kiều vụ ông Triệu Quang Liễu (Mười Liễu) phân công làm Trưởng Ty, ông Mã Chánh làm Phó Trưởng Ty, ông Viên Chấn Hùng làm ủy viên thư ký, với nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác dân tộc Hoa (gọi là Ban Hoa Vận). Đầu năm 1949 Ty Huê Kiều vụ đề xuất với Tỉnh ủy cần có một tổ chức đoàn thể để vận động tập hợp tuyên truyền giáo dục, giác ngộ cách mạng trong đồng bào Hoa. Giữa năm 1949 Huê Kiều giải phóng Liên hiệp hội tỉnh, (gọi tắt là Hội Giải Liên tỉnh) được thành lập, ông Trầm Kiến Sanh làm Chủ nhiệm, ông Trầm Quới Hỷ làm Phó Chủ nhiệm, ông Chu Tuyền làm ủy viên thư ký. Hội có nhiệm vụ vận động tập hợp tuyên truyền về chính sách dân tộc của Đảng và đường lối cách mạng Việt Nam, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó với các dân tộc khác trong tỉnh cùng kề vai sát cánh đánh đuổi kẻ thù chung để giải phóng dân tộc. Địa bàn hoạt động chủ yếu là thị xã Trà Vinh và các huyện có đông đồng bào Hoa, trong đó đi sâu vào các tổ chức công khai như Hội Tương tế, Hội Chữ thập đỏ, giới công thương gia, nhất là hai trường Trung Hoa và Quảng Triệu (nay là trường Minh Trí I và Minh Trí II). Đáng ghi nhớ là dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy về công tác Hoa vận, Ty Huê Kiều Vụ và Hội Giải Liên đã tuyên truyền tập hợp vận động giác ngộ cách mạng, đại bộ phận đều hướng về phía cách mạng, trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ tiền của vật chất, nhiều gia đình cho con em tham gia kháng chiến, một số học sinh lớn lên từ các phong trào trên, trở thành cán bộ Hoa vận sau này. Sau năm 1954, theo chủ trương của Tỉnh ủy, Ty Hoa Kiểu Vụ và Hội Giải Liên tỉnh giải thể, một số đồng chí tập kết ra Bắc, số đồng chí còn lại được phân công về địa phương tiếp tục công tác.

2. Giai đoạn 1954-1975

Công tác Khmer vận: Nổi bật giai đoạn này là phong trào đấu tranh chính trị của đồng bào dân tộc do ông Maha Sơn Thông phụ trách theo sự phân công của Tỉnh ủy diễn ra tại chùa Sâm Rông Ék (Phường 8, thành phố Trà Vinh) vào dịp lễ Phật Đản năm 1957. Lực lượng tham gia cuộc đấu tranh này phần lớn là đồng bào và chư tăng của hơn 70 chùa Khmer trong tỉnh. Kết hợp với lễ Phật Đản, những người tổ chức, cuộc đấu tranh đã sáng tạo ra một chương trình mang tên "diễn đàn tự do về ngày Phật Đản 2500 năm". Diễn đàn này kéo dài từ trưa cho đến 21 giờ đêm, trong đó có mặt của tỉnh Trưởng và đại diện Phật giáo Therevada từ Sài Gòn xuống. Các vị chư tăng và Phật tử nối tiếp nhau lên diễn đàn, rồi trao văn bản kiến nghị cho tỉnh Trưởng và đại diện Phật giáo Therevada. Những người phát biểu đồng thanh tố cáo chính sách tố cộng-diệt cộng và chính sách đồng hóa dân tộc của ngụy quyền Sài Gòn như cấm chùa Khmer không được dạy chữ Khmer, không cho người Khmer mặt trang phục của chính dân tộc mình, thay đổi họ tên người Khmer, miệt thị phong tục tập quán của người Khmer..., đòi ngụy quyền Sài Gòn thực hiện đúng Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi Hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước v.v.. làm cho tỉnh Trưởng và đại diện Phật giáo Therevada bị bất ngờ, không đối phó được, phải nhận tất cả kiến nghị của đồng bào.

Năm 1960 với hơn 60.000 chư tăng và đồng bào Kinh, Khmer tham gia biểu tình, kéo vào Thị xã Trà Vinh có băng cờ, khẩu hiệu, vừa đi vừa hô vang “Đã đảo Mỹ - Diệm” đòi chính quyền ngụy bỏ Luật 10/59, không bắt bớ người yêu nước, đòi thả acha Lui Sarat, đòi quyền dân sinh, dân chủ,… buộc tỉnh trưởng lúc bấy giờ phải hứa giải quyết yêu sách của đồng bào, làm cho Mỹ - Ngụy khiếp sợ. Qua đó đã khẳng định sức mạnh của lực lượng chính trị trong tỉnh, trong đó thể hiện rõ đông đảo đồng bào và chư tăng Khmer tham gia, điều đó nói lên vai trò lãnh đạo của Ban Khmer vận tỉnh thông qua các hoạt động vận động quần chúng, mà đứng đầu là đồng chí Maha Sơn Thông, Trưởng Ban Khmer vận. Cuối năm 1957 sau vụ lễ Phật Đản, đồng chí Maha Sơn Thông bị lộ và bị địch truy bắt, Tỉnh ủy chủ trương cho đồng chí "điều lắng" bí mật chuyển sang hoạt động ở tỉnh Sóc Trăng. Đến năm 1959 điều động đồng chí Trần Lái làm Trưởng Ban tiếp tục củng cố cơ quan Ban Khmer vận. Sau đồng khởi 1960, quân, dân tỉnh Trà Vinh tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân ở địa phương, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang giáng cho địch nhiều trận thất bại thảm hại, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Thành đồng hạng nhất và lá cờ vẽ vang với 8 chữ vàng "Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công".

Sau Hiệp định Pari (tháng 8/1973) Khu ủy điều đồng chí Maha Sơn Thông - Khu ủy viên, Trưởng Ban Khmer vận tăng cường về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách công tác dân vận, đồng thời thành lập một Tiểu đoàn (Tiểu đoàn 512) toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn là con em đồng bào Khmer và phân công đồng chí Thạch Sung-Tỉnh đội phó cũng là người Khmer trực tiếp quản lý, huấn luyện. Các đồng chí cán bộ Ban Khmer vận tỉnh đều được phân công phụ trách địa bàn các huyện, thị, Ban sãi vận tỉnh, huyện cũng được củng cố và phát động chờ thời cơ cướp Chính quyền.

Ngày 30/4/1975 trước khí thế tiến công của lực lượng vũ trang và sự nổi dậy của quần chúng, tinh thần binh sĩ ngụy sụp đổ nhanh chóng, một bộ phận buông vũ khí đầu hàng, một số lột bỏ quần áo lính, mặc thường phục lẫn trốn. Thời điểm này, ta kêu gọi tên Tỉnh trưởng Vĩnh Bình Nguyễn Văn Sơn đầu hàng, nhưng hắn vẫn ngoan cố. Bộ chỉ huy lệnh cho đồng chí Lư Quang Hiểu, đội viên đội tuyên truyền vũ trang của tỉnh mượn xe Jéep của trại cưa Quảng Hưng Long, cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chở 5 chư tăng Khmer vào tòa hành chính, trực tiếp kêu gọi tên tỉnh trưởng Sơn đầu hàng và đưa hắn ra chùa Khươn (phường 7, thành phố Trà Vinh) gặp Ban chỉ huy chiến dịch, tại đây đồng chí Trần Văn Tư (Bí thư Thị ủy Trà Vinh) bắt tên Sơn viết lời đầu hàng, ngồi lên xe chạy khắp nơi trong thị xã để kêu gọi toàn bộ binh lính ngụy ở Trà Vinh buông súng đầu hàng cách mạng. Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được tung bay trước Tòa hành chính và Dinh tỉnh trưởng ngụy quyền. Thị xã Trà Vinh được hoàn toàn giải phóng cùng lúc với Sài Gòn.

Công tác Hoa vận: Sau hiệp định Giơ-ne-vơ đồng chí La Đình Châu (Ba Chương) và đồng chí Lục Trung (Tư Tôn), được phân công về thị xã Trà Vinh  nơi trung tâm đầu não của địch hoạt động bí mật dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Hồng Bích (Sáu Quả) theo hình thức đơn tuyến, gầy dựng cơ sở cách mạng trong nội ô thị xã. Năm 1956 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Cúc (Năm Cúc) Trưởng ban địch tình Tỉnh ủy, phát động cuộc vận động đấu tranh chính trị biểu tình trên 10.000 người vào nội ô thị xã đòi thực hiện hiệp định Gơnève tiến hành tổng tuyển cử, trong đó có đồng bào Hoa tham gia, còn vận động ký kiến nghị trên 500 chữ ký của bà con đồng bào Hoa. Năm 1957 chính quyền Sài gòn ban hành bộ luật Hoa Kiều nhập quốc tịch Việt Nam để bắt con em đồng bào Hoa đi lính, bà con đồng bào Hoa hết sức phẫn nộ kéo nhau đến nhà Bang Trưởng phản đối bộ luật này. Năm 1959 chính quyền Sài Gòn ban hành luật số 10/1959 đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém khắp cả miền Nam, nhưng với tinh thần giác ngộ cách mạng, bà con đồng bào Hoa và nhân dân thị xã không chùn bước trước âm mưu tàn bạo của địch, vững vàng chở che đùm bọc nuôi chứa tiếp tế lương thực thực phẩm thuốc men cho cho cách mạng.

Từ năm 1960 tại nội ô thị xã, đã xây dựng được một số cơ sở khá vững chắc trong đồng bào người Hoa, để các đồng chí của Trung ương, Ban Hoa vận Khu và tỉnh khi về chỉ đạo công tác, tiêu biểu như: Gia đình ông Viên Mậu ở phường 4, ông Giang Thanh Khê ở phường 6, ông Trần Lệ Trung ở phường 3, thị xã Trà Vinh là cơ sở hợp pháp nuôi chứa chở che cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh về họp rất an toàn trong nội ô thị xã như đồng chí: Nguyễn Phước Tân (Hai Tân) cán bộ điệp báo Bộ Nội vụ, Trần Văn Long (Mười Đài) Ủy viên Trung ương Cục, Nguyễn Văn Cúc (Năm Cúc) Trưởng ban địch tình Tỉnh ủy, Sáu Hảnh-Hoa vận tỉnh, Bảy Luân - Công Đoàn tỉnh, Trần Văn Tư - Bí thư thị xã Trà Vinh, La Đình Châu - Hoa vận thị xã... ; Tiệm cà phê Phước An Nguyên, số 75 Đường Võ Thị Sáu, phường 3, thị xã Trà Vinh là nơi ăn, nghĩ của đồng chí Mai Chí Thọ ở Trung ương cục (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ) về chỉ đạo kiểm tra công tác tỉnh Trà Vinh, đồng chí Trần Quới Hỷ (củ Hý) nguyên là phó chủ nhiệm Hội Huê Kiều giải phóng thời chống Pháp, dùng xe gắn máy chở đi các cơ sở trong tỉnh kiểm tra chỉ đạo công tác, đồng chí vừa là người lái xe vừa là người bảo vệ trong suốt chuyến đi bằng đường công khai được an toàn.  

Nhìn chung, trong quá trình cách mạng, nhiều vùng có đông đồng bào Khmer, các chùa và nhiều gia đình Khmer-Hoa trở thành căn cứ cách mạng, là cơ sở nuôi chứa và bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng, các tổ chức Mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang vừa là nơi hội họp, làm việc của cấp ủy…Với công lao đóng góp to lớn và đáng tự hào đó, đồng bào và các chư tăng Khmer tỉnh Trà Vinh được tặng Huân chương giải phóng hạng nhất, hạng nhì do Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cấp và Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng nhì do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng nhiều Huân chương, Huy chương và Bằng khen cao quý của Chủ tịch nước, Chính phủ tặng, trong đó vai trò đóng góp quan trọng của các thế hệ làm công tác dân tộc và cả hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc các cấp trong tỉnh đã góp phần không nhỏ tạo nên thành tích vẽ vang cho dân tộc. Nhiều đồng chí công tác ở cơ quan làm công tác dân tộc các cấp trong tỉnh đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương các loại,… nhiều đồng chí ưu tú, tiêu biểu là người Khmer cũng trưởng thành từ phong trào cách mạng của tỉnh, nhất là từ Ban Khmer vận tỉnh như: đồng chí Sơn Phước Rọt, Maha Sơn Thông, Trần Lái, Thạch Sa Búth, Thạch Nhiện Nhựm, Thạch Tua, hay đồng chí Triệu Quang Liễu, Lục Trung từ Ty Huê kiều vụ hoặc Hòa thượng Thạch Som, Sơn Vọng, Kim Nheo Kem, Trần Dạnh, Kim Tốc Chơn trong Ban sãi vận tỉnh… tên tuổi của các đồng chí, các vị Hòa thượng ấy còn mãi lưu danh.

3. Giai đoạn 1975-1992

Sau năm 1975 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long được sáp nhập thành tỉnh Cửu Long, hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc các cấp trong tỉnh (trong đó có Ban Khmer vận và Ban Hoa vận) đều giải thể, một số đồng chí được điều động đến công tác ở các cơ quan khác và nhiều đồng chí được điều động về Tiểu Ban Dân tộc của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. 

Năm 1981 củng cố lại cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Kim Quang (Hai Sáng), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công làm Trưởng Ban, đồng chí Kim Giàu (Tám Xuân), Sơn Tho (Chín Thành), Sơn Wênh làm Phó Trưởng Ban. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban Dân tộc tỉnh thời kỳ này ngoài nắm tình hình các mặt trong vùng đồng bào dân tộc để tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh mà còn trực tiếp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác trọng tâm của tỉnh như: Phát động làm lúa tăng vụ, đào kênh thủy lợi, xây dựng trường học, xây dựng tập đoàn sản xuất, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, thu mua lương thực, thu thuế và tuyển quân. Riêng cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện không được phục hồi.

Năm 1985 Ban Dân tộc tỉnh tạm thời sáp nhập vào Tiểu Ban Dân tộc của Ban Dân vận Tỉnh ủy. Đến năm 1989 Tỉnh ủy Cửu Long có Quyết định số 436-QĐ/TU về việc thành lập Ban Dân tộc tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy, đồng chí Lâm Phú (Ba Tranh), Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, Phó Bí thư Tỉnh ủy phân công làm Trưởng Ban, đồng chí Kim Giàu, Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy làm Phó Trưởng Ban, đồng chí Sơn Wênh làm Phó Trưởng Ban. Với nhiệm vụ tiếp tục lãnh đạo và củng cố lại khối đại đoàn kết các dân tộc, đồng thời phát huy truyền thống cách mạng của đồng bào và chư tăng Khmer trong tỉnh, bước đầu đã tham mưu giúp cấp ủy triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác dân tộc, trong đó có việc tham mưu giúp Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức khôi phục lại MêKôn và giúp Phật giáo Nam tông Khmer sắp xếp lại việc học hành theo truyền thống, đã khơi dậy được lòng tin của đồng bào phật tử Khmer trong tỉnh đối với chính sách của Đảng về lĩnh vực tự do tín ngưỡng, góp phần ổn định trật tự trị an trong chùa chiền và chư tăng. Ngoài ra, Ban còn phối hợp vận động xây dựng Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer, thành lập Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ người dân tộc.

 4. Giai đoạn 1992- đến nay

Ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị quyết tái lập tỉnh Trà Vinh trên cơ sở tách ra từ tỉnh Cửu Long. Tháng 5/1992 tỉnh Trà Vinh chính thức đi vào hoạt động, đồng chí Kim Giàu phân công làm Trưởng Ban, đồng chí Sơn Wênh làm Phó Trưởng Ban.

Năm 1994 theo chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy có Quyết định số 189/QĐ-TU ngày 04/3/1994 về việc chuyển Ban Dân tộc tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy sang trực thuộc UBND tỉnh. Ngày 15/4/1994 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 242/QĐ-UBT với chức năng, nhiệm vụ làm tham mưu giúp cho UBND tỉnh nghiên cứu, quản lý, chỉ đạo thực hiện chính sách pháp luật Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, là đơn vị hành chính trực thuộc UBND tỉnh và chịu sự chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Ủy ban Dân tộc và Miền núi Chính phủ. Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc tỉnh được củng cố, kiện toàn để đủ sức làm tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế -văn hóa- xã hội, an ninh - quốc phòng trong vùng đồng bào dân tộc. Cuối năm 1992 tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 13/10/1992 “về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer”.

Trong giai đoạn này lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh gồm: Đồng chí Huỳnh Phước Long, Sơn Minh Thắng, Thạch Dư, Kiên Thanh, Lâm Minh Liên, Kiên Quân, Kiên Ninh làm Trưởng ban; các Phó Trưởng Ban: Đồng chí Nguyễn Thành Nghiệp, Kiên Thanh, Nguyễn Thanh Hùng, Kim Hồng Danh, Huỳnh Kịch, Sơn Tươi, Kiên Banh, Hà Thanh Sơn, Thạch Mu Ni.

Cán bộ, công chức cơ quan Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh

Về tổ chức bộ máy của Ban trong thời kỳ này có 02 phòng: Văn phòng, phòng Chính sách Pháp luật và bộ phận Thanh tra Ban, với 16 biên chế. Năm 2004 phòng Dân tộc-Tôn giáo cấp huyện được thành lập theo Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ. Cũng trong thời kỳ này Ban tham mưu Tỉnh ủy tổng kết Nghị quyết số 01 và ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 10/10/2003 “về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer”.

Thực hiện Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ, năm 2008 Ban có 03 phòng: Văn phòng, Thanh tra Ban và phòng Chính sách Dân tộc, với 19 biên chế. Đối với phòng Dân tộc - Tôn giáo cấp huyện giải thể, công tác dân tộc được UBND cấp huyện phân công một cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND để tham mưu, theo dõi thực hiện. Đặc biệt năm 2009, Ban đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, tỉnh lần thứ I thành công tốt đẹp, Đại hội cấp tỉnh có 340 đại biểu và đưa 24 đại biểu dự Đại hội cấp Trung ương. Tại Đại hội cấp tỉnh 340 đại biểu được Ủy ban Dân tộc tặng kỷ niệm chương và nhiều Bằng khen của Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh tặng cho tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Thực hiện Nghị định số 12/2010/NĐ-CP ngày 26/02/2010 của Chính phủ, năm 2010 phòng Dân tộc các huyện, thành phố được thành lập, với số lượng có từ 03 biên chế, riêng thị xã Duyên Hải không đủ tiêu chí để thành lập phòng. Trong thời kỳ này, Ban tham mưu Tỉnh ủy tổng kết Nghị quyết số 06 và ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 09/9/2011 về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011-2015; Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 17/4/2013 thực hiện Kết luận số 07-KL/TW ngày 20/6/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới”,... Năm 2014, Ban phối hợp triển khai kế hoạch thành lập Trường Trung cấp Pali Khmer và tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công tốt đẹp Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, tỉnh lần thứ II. Đại hội cấp tỉnh với tổng số 250 đại biểu, tại Đại hội Ban Dân tộc được tặng Huân Chương Lao động hạng Ba, 41 tập thể và 94 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban dân tộc, UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 07/2014/TTLT-UBDT-BNV ngày 30/7/2014 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ, năm 2014 Ban Dân tộc tỉnh có 05 phòng: Văn phòng, Thanh tra Ban, phòng Kế hoạch Tổng hợp, Tuyên truyền địa bàn và Chính sách Dân tộc, với 21 biên chế; phòng Dân tộc cấp huyện vẫn duy trì. Trong thời kỳ này, Ban tham mưu cho Tỉnh ủy tổng kết Nghị quyết số 03 và ban hành Kết luận số 01/KL-TU ngày 16/6/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011-2015; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 01/8/2014 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2594/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52 của Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 23/8/2018 về thực hiện Kế hoạch số 81-KH/TU ngày 23/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới... Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, tỉnh lần thứ III, Đại hội cấp tỉnh có 250 đại biểu và đưa 30 đại biểu dự Đại hội cấp Trung ương, tại Đại hội cấp tỉnh Ban được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 22 tập thể, 60 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban dân tộc, UBND tỉnh tặng Bằng khen và 50 cá nhân được Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen.

Thực hiện Thông tư số 01/2021/TT-UBDT ngày 01/11/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Ban tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND ngày 24/6/2022 về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh. Theo đó hiện nay, Ban có 03 Phòng: Văn phòng, Phòng Tuyên truyền - Pháp luật và Phòng Chính sách Dân tộc, với 19 biên chế; phòng Dân tộc cấp huyện vẫn duy trì. Trong thời kỳ này, Ban tham mưu cho Tỉnh ủy, tổng kết Kết luận số 01 và ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/10/2021 về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1334/QĐ-UBND ngày 19/7/2022 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1333/QĐ-UBND ngày 19/7/2022 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh,... Xây dựng 149 nhà hỏa táng (01 nhà hỏa táng hiện đại) ở các điểm chùa Khmer và cụm dân cư.

Trải qua 75 năm triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ của Ủy ban Dân tộc, sự phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và sự nỗ lực của cán bộ làm công tác dân tộc các cấp đã mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Tỉnh luôn luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ cho đồng bào ổn định cuộc sống và không ngừng phát triển sản xuất, cải thiện đời sống kinh tế ngày càng đi lên. Đối với cơ quan làm công tác dân tộc các cấp trong tỉnh không những là cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy và chính quyền địa phương về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, mà còn là cầu nối hiệu quả giữa đồng bào các dân tộc, là chỗ dựa đáng tin cậy giúp đồng bào trao đổi thông tin, trình bày tâm tư, nguyện vọng và phản ánh những bức xúc của mình đối với Đảng và Nhà nước. Đồng thời, cũng là cơ quan tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc, bố trí giữ các chức vụ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền các cấp, đảm bảo tính kế thừa. Đặc biệt tăng cường được khối đại đoàn kết toàn dân tộc để góp phần thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp”./.

Tài liệu tham khảo:

- Phong trào yêu nước của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh (1930-2020) của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia;

- Văn kiện Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh lần thứ I (năm 2009), II (năm 2014) III (năm 2019);

- Lược ghi tình hình người Hoa tỉnh Trà Vinh ngày 09/10/2008 của ông Lục Trung- Nguyên Cán bộ công tác Hoa vận giai đoạn 1954-1975;

- Báo cáo số 196/BC-BDT ngày 19/7/2023 của Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh về Mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc.

Bài viết: Ngọc Trí-VP

Tin khác
1 2 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 301
  • Tất cả: 1182668
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN DÂN TỘC TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh
- Địa chỉ: Số 10, đường 19 tháng 5, K2, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh
- Email:bdt@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3852478. Fax: 0294.3851924
- Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT