Bài phát biểu của đồng chí Sơn Tươi, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh nhân họp mặt Kỷ niện 70 năm ngày thành lập cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc
       Nhân dịp 70 năm ngày thành lập cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) về công tác dân tộc (CTDT), để ôn lại truyền thống và nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của ngành công tác dân tộc tỉnh nhà, cũng như sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự điều hành có hiệu quả của UBND tỉnh mà đời sống, kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc, phát triển không ngừng. Ban Dân tộc tỉnh xin trân trọng trích nội dung bài phát biểu của đồng chí Sơn Tươi, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh, tại buổi họp mặt kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành:       Trong bầu không khí vui tươi, phấn khởi cùng cả nước thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội (khóa XIV) và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, UBND tỉnh long trọng tổ chức họp mặt kỷ niệm 70 năm ngày thành lập cơ quan QLNN về CTDT, cho phép tôi thay mặt cán bộ, công chức cơ quan CTDT xin gửi đến quý vị đại biểu lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Đ/c Sơn Tươi, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh


        Kính thưa quý vị đại biểu!

          Ngay từ khi mới thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, CTDT và đoàn kết các dân tộc, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.


    Đặc biệt cách đây 70 năm, ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta ký Sắc lệnh số 58 thành lập Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số (DTTS)- tổ chức tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Ngày 14/10/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg lấy ngày 03/5 hàng năm là ngày truyền thống của cơ quan QLNN về CTDT. Kể từ đó đến nay, ngày 03/5 đã trở thành ngày hội của các thế hệ cơ quan CTDT từ Trung ương đến địa phương.

      Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, trong mỗi thời kỳ cách mạng, cơ quan CTDT có tên gọi khác nhau, thực hiện chức năng nhiệm vụ phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Cho dù ở giai đoạn nào, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan CTDT của cả nước nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách,  quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.

    Riêng tỉnh Trà Vinh, cơ quan QLNN về CTDT được thành lập năm 1948, với 02 cơ quan tiền thân, đó là Ban Khmer vận và Ty Hoa kiều vụ. Sau năm 1975, tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long sáp nhập thành tỉnh Cửu Long, cơ quan CTDT các cấp trong tỉnh giải thể. Năm 1981, được củng cố lại cơ quan CTDT cấp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy. Năm 1985, sáp nhập vào Tiểu ban Dân tộc của cơ quan Ban Dân vận Tỉnh ủy. Năm 1989 Tỉnh ủy Cửu Long có Quyết định số 436-QĐ/TU thành lập Ban Dân tộc tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy. Đến tháng 5/1992 tái lập tỉnh Trà Vinh, Ban Dân tộc vẫn là cơ quan thuộc Tỉnh ủy. Năm 1994, theo chủ trương của Trung ương, Ban Dân tộc chuyển sang trực thuộc UBND tỉnh cho đến nay.

    Khi mới thành lập, nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan QLNN về CTDT là tập hợp lực lượng, xây dựng cơ sở, vận động đồng bào theo Đảng nuôi chứa cán bộ cách mạng, tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm và tai sai; đến giải phóng, nhiệm vụ vẫn tiếp tục vận động đồng bào các DTTS khắc phục hậu quả sau chiến tranh, phát huy truyền thống đoàn kết, khôi phục phát triển kinh tế, vận động đồng bào tham gia phong trào cách mạng tại địa phương: hiến đất, xây dựng trường học, trạm xá, đào kênh thủy lợi, tham gia lao động sản xuất…

    Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, những năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Dân tộc đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, tham mưu đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về công tác dân tộc.

- Ở Trung ương: Ban Bí thư (khóa VII) có Chỉ thị 62 (năm 1995) về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới; BCH TW Đảng (khóa IX) có Nghị quyết 24 (năm 2006) về công tác dân tộc; Thủ tướng Chính phủ có Nghị định 05 (năm 2011) về công tác dân tộc; Quyết định 449 (năm 2013) phê duyệt Chiến lược CTDT đến năm 2020; Chỉ thị 28 (năm 2014) về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đồng thời Ủy ban Dân tộc và các Bộ ngành Trung ương có Thông tư hướng dẫn, giúp địa phương triển khai thực hiện tốt.

- Đặc biệt đối với tỉnh Trà Vinh: Từ khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy có Nghị quyết số 01 (năm 1992), Nghị quyết số 06 (năm 2003), Nghị quyết số 03 (năm 2011) “về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer”.  Ban thường vụ Tỉnh ủy có Kế hoạch số 02 (năm 1996) “Về triển khai thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TW ngày 08/11/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới ”; Chỉ thị số 04 (năm 2002) “Về tăng cường công tác phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer, Hoa”; Kế hoạch số 48 (năm 2013) về xây dựng lực lượng cốt cán và phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng người Hoa… Theo đó, UBND tỉnh xây dựng Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy kịp thời và mang lại hiệu quả thiết thực,…

Với vai trò, nhiệm vụ được giao, Ban Dân tộc tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc, chỉ đạo thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động nêu trên đạt kết quả như sau:

+ Lĩnh vực kinh tế:

Các Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội và các chương trình, chính sách có liên quan đến đồng bào dân tộc đã và đang triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, như: Chương trình 135, chính sách hỗ trợ nhà ở theo Đề án 01, Quyết định 167/TTg; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm; chính sách trợ giá, trợ cước; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn… từ đó đời sống của đồng bào các DTTS không ngừng được cải thiện, nâng lên; nhiều công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây mới; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm bình quân trên 4%/năm, còn 19.756 hộ, chiếm 23,12% so với tổng số hộ Khmer; hộ cận nghèo Khmer còn 8.877 hộ, chiếm 10,39% so với tổng số hộ Khmer (số liệu chuẩn nghèo đa chiều năm 2015 theo Quyết định số 59 của Thủ tướng Chính phủ).

+ Lĩnh vực Văn hóa – xã hội:

Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, Hoa được Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi tổ chức chu đáo, long trọng, trang nghiêm; phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết của đồng bào được bảo tồn và phát huy. Chương trình Phát thanh - Truyền hình bằng tiếng Khmer được đầu tư nâng cấp, đáp ứng phần nào nguyện vọng của khán thính giả và bạn đọc; Nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây và Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer, chùa Phước Minh Cung của đồng bào Hoa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Vào dịp Chôl Chnam Thmây-Tết cổ truyền của đồng bào Khmer, Lễ Sêne Đôlta, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đều có tổ chức họp mặt cán bộ đương chức, nghỉ hưu, các vị chư tăng, ban quản trị các chùa, người có uy tín; tổ chức thăm gia đình chính sách, gia đình cán bộ lão thành cách mạng, các chùa Khmer tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh luôn được quan tâm đào tạo diễn viên, đầu tư xây dựng từ cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị; Bảo tàng văn hóa Khmer được duy tu, bảo dưỡng và trưng bày nhiều hiện vật có giá trị; nhiều chùa được công nhận là cơ sở tôn giáo tín ngưỡng văn minh, di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh.

+ Về Giáo dục:

Công tác giáo dục trong đồng bào Khmer tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ. Toàn tỉnh có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú; 01 Trường Trung cấp Pali – Khmer; 01 Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú; có Khoa Ngôn ngữ Văn hóa Khmer Nam bộ - thuộc Trường Đại học Trà Vinh, thực hiện đào tạo văn hóa và tiếng Khmer bậc Cao đẳng, Đại học, sư phạm ngữ văn Khmer Nam bộ cho con em Khmer trong và ngoài tỉnh.

Hàng năm tỷ lệ học sinh Khmer vào học ở các cấp ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm. Học sinh Khmer thi đỗ và cử tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp ngày càng nhiều, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

+ Về Y tế:

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào luôn được quan tâm thực hiện tốt. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Ở những xã vùng có đông đồng bào DTTS đều có trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực; trang thiết bị, y cụ và thuốc điều trị được cung cấp khá đầy đủ; các hoạt động truyền thông, dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các loại dịch bệnh được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả hơn.

+ Về xây dựng Hệ thống chính trị:

Hệ thống chính trị trong vùng đồng bào DTTS luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các cấp quan tâm củng cố và tăng cường. Toàn tỉnh có 6.557 đảng viên là người DTTS, trong đó có 6.397 đảng viên Khmer, chiếm 16,04% so với tổng số đảng viên chung; có 4.129 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 18,27% so với tổng số chung. Công tác cán bộ trong vùng đồng bào DTTS được thực hiện tốt, nhất là việc điều động, luân chuyển cán bộ Khmer kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ Khmer đã và đang được đào tạo, đề bạt, bố trí giữ nhiều chức danh quan trọng ở các ngành, các cấp. Số lượng đoàn viên, hội viên các đoàn thể trong vùng dân tộc thường xuyên được củng cố và phát triển…

Tuy, kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào DTTS có phát triển, nhưng vẫn còn chậm so với tốc độ phát triển chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao; lao động không tay nghề, chưa có việc làm, hoặc có việc làm chưa ổn định còn nhiều; tình hình biến đổi khí hậu, khô hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng,… gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đồng bào. Các nguồn lực đầu tư cho thực hiện chính sách còn hạn chế, dàn trải, hiệu quả chưa cao. Một số vấn đề bức xúc trong vùng có đông đồng bào DTTS tuy có tập trung giải quyết nhưng vẫn chưa dứt điểm. Công tác cán bộ tuy có quan tâm nhưng vẫn còn hụt hẩng, thiếu cán bộ chủ chốt, thiếu đội ngũ báo cáo viên biết hai thứ tiếng Việt và Khmer.

Hiện nay, nhiệm vụ CTDT vừa phải kế thừa chặn đường lịch sử truyền thống của ngành, vừa phải đảm trách nhiệm vụ mới rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. Tuy khó khăn thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành có hiệu quả của UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các cấp và sự quyết tâm chính trị cao của cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc, tin chắc rằng sự nghiệp CTDT tỉnh nhà sẽ lớn mạnh không ngừng.

Trước mắt, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1- Tham mưu Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết 03 về công tác dân tộc; Kế hoạch số 48 của Tỉnh ủy về xây dựng lực lượng cốt cán và phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng người Hoa; tổ chức Quán triệt Chỉ thị số 62 của Ban Bí thư (khóa VII) về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới; Nghị quyết số 24 của BCH TW Đảng (khóa IX); Nghị định số 05 của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc; Chỉ thị 28/CT-TTg về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

2- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án có liên quan đến đồng bào các DTTS trên địa bàn, như: Chương trình 135; Chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; Chỉ tiêu, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015; chiến lược CTDT đến năm 2020; Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất; Chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt; Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS tại các xã nghèo giai đoạn 2013-2020. Tổ chức tiếp đón, thăm hỏi và đưa người có uy tín đi tham quan học tập kinh nghiệm các nơi.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chính sách y tế, giáo dục trong vùng đồng bào DTTS. Nâng cấp các trường PTDTNT, trường dạy nghề DTNT, xây dựng mới trường Trung cấp Pali – Khmer. Tập trung giải quyết việc làm cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra.

3- Phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung xây dựng lực lượng cán bộ ở cơ sở, nắm tình hình an ninh, chính trị, những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội để tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời. Giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

4- Về xây dựng hệ thống chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Tiếp tục thực hiện tốt công tác cán bộ, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, đảm bảo tính kế thừa, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 04 (năm 2002) của Ban thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường công tác phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer, Hoa”.

5-Tiếp tục củng cố, kiện toàn cơ quan chuyên trách làm CTDT các cấp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ CTDT và quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, lý luận chính trị, tin học... cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm CTDT theo Quyết định số 402 (ngày 14/3/2016) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Dân tộc tỉnh sẽ quyết tâm nỗ lực, tập trung thực hiện hoàn thành tốt các nội dung trên; thay mặt Ban Dân tộc tỉnh, mong rằng các ngành, các cấp trong tỉnh, chính quyền, mặt trận, đoàn thể tiếp tục quan tâm phối hợp thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; đối với đồng bào phải luôn đề cao cảnh giác trước những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; nêu cao ý chí tự lực, tự cường; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, đồng thời chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện tốt quyền công dân đi bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, góp phần chung tay góp sức xây dựng tỉnh Trà Vinh sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Một lần nữa, kính chúc các đồng chí và toàn thể quý vị đại biểu được dồi dào sức khỏe, đoàn kết và tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp CTDT trên địa bàn.

Xin trân trọng kính chào.
Xin trân trọng giới thiệu.

                     

 Bài,ảnh:Cảnh Tuân
Tin khác
1 2 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 32
  • Trong tuần: 342
  • Tất cả: 1182629
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN DÂN TỘC TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh
- Địa chỉ: Số 10, đường 19 tháng 5, K2, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh
- Email:bdt@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3852478. Fax: 0294.3851924
- Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT