Vài nét về ý nghĩa Lễ Sêne Đôlta của đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh

    Lễ Sêne Đôlta là một trong 3 lễ hội lớn của đồng bào Khmer, đây là dịp để đồng bào Khmer đoàn tựu gia đình, tổ chức các nghi lễ truyền thống, tưởng nhớ về cội nguồn, tỏ lòng thành kính đối với bậc tiền nhân. Theo quan niệm của người Khmer, ngoài thế giới con người sinh sống còn có thế giới khác, đó là thế giới của những linh hồn không thể xác, họ cho rằng con người sau khi chết linh hồn sẽ không mất đi, vì lẽ đó, việc Lễ Sêne Đôlta được hình thành trong đồng bào Khmer từ đó nhằm tỏ lòng biết ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Lễ này diễn ra vào trung tuần tháng 9 dương lịch hàng năm đây là thời gian mà người làm nông tạm nhàn rỗi do lúa vừa cấy xong đang bám rễ, nở bụi không cần chăm sóc nhiều, hơn nữa đây là thời điểm có lượng mưa cao nhất trong năm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác, trong đó giao thông nông thôn ngày xưa còn rất yếu kém cản trở rất lớn đến việc đi lại của người dân, nhân dịp này từng gia đình trong cộng đồng dân tộc Khmer đồng loạt tổ chức Lễ Sêne Đôlta để tỏ lòng thành kính, báo hiếu với ông, bà tổ tiên, bao gồm các nghi thức như: 

    Nghi thức Canh banh: thường diễn ra từ ngày 16 đến ngày 28 tháng 8 âm lịch hằng năm, nghi thức này mang nhiều ý nghĩa liên quan đến tôn giáo (Phật giáo Nam tông Khmer) như: Nhận thấy thời gian này thời tiết mưa bão gây ngập úng cục bộ, đường lầy lội khó khăn cho các vị chư tăng đi khất thực (banh bát), do đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tu học và hành đạo của các vị chư tăng, đồng bào Khmer đã thống nhất quy định tổ chức lễ Canh banh hằng năm, thời gian 13 ngày bắt đầu từ ngày 16/8 đến ngày 28/8 âm lịch. Trong thời gian này các vị chư tăng không tổ chức đi khất thực ở từng phum sroc, Ban quản trị chùa phân công từng Vệnh (tổ) trong bổn đạo tự quyên góp tiền, của để mua gạo, thực phẩm,.. và tổ chức nấu nướng cúng kính các vị chư tăng tại chùa. Dịp này từng ngôi chùa Khmer được trang trí và có không khí vui tươi cả ngày lẫn đêm, ban đêm các vị chư tăng tụng kinh, thuyết pháp cho các phật tử nghe, ngoài ra vào khoảng 4 giờ trời gần sáng, hằng ngày các vị sư đọc kinh barabhavasutta, đây là 01 pháp nói về 12 sự diệt vong là những câu hỏi của chư thiên và câu trả lời của Đức Phật Thích ca nhằm giáo dục chư tăng, phật tử hướng về việc thiện, tránh việc ác, sau đó các cụ ông, cụ bà tổ chức dâng cơm xung quanh chánh điện và cầu nguyện cho các linh hồn, ma quỷ được siêu thoát. Theo truyền lại, các linh hồn, ma quỷ không dám hiện thân vào ban ngày, do đó mới có nghi thức dâng cơm xung quanh chánh điện vào lúc trời còn tối và đặt ở 4 góc chánh điện rồi mời các linh hồn, ma quỷ ăn và phù hộ cho loài người được mạnh khỏe.

    Nghi thức Bchum banh: diễn ra từ ngày 29, 30 tháng 8 và 01 tháng 9 âm lịch, trong 03 ngày này, đồng bào Khmer tổ chức các nghi lễ truyền thống như:

    - Ngày thứ nhất (ngày đón ông, bà): Đồng bào Khmer dọn dẹp nhà cửa khang trang để đón ông, bà tổ tiên, họ chuẩn bị mâm cơm, bánh, trái, nhang đèn tổ chức cúng ông, bà tại nhà, gia đình nào có điều kiện hơn họ thỉnh các vị chư tăng đến tận nhà dùng cơm, tụng kinh cầu siêu nhằm hồi hướng phước báu đến với các vong linh ông, bà tổ tiên của họ; sau đó cúng một mâm cơm ở bên ngoài rồi mời các linh hồn không họ hàng, không nơi nương tựa đến dùng cơm và phụ hộ cho gia đình được mạnh khỏe, kết thúc buổi lễ họ tổ chức họp mặt giao lưu với con cháu trong gia đình và bà con hàng xóm với tinh thần vui tươi, phấn khởi.

    - Ngày thứ hai (ngày chính): Buổi sáng tất cả đồng bào dân tộc Khmer dù nghèo hay giàu đều chuẩn bị cho mình một mâm cơm, hoa, trái,… đến cúng các vị sư tại chùa, nghe các vị sư tụng kinh cầu siêu. Sau đó bà con Phật tử cùng dùng cơm, trao đổi kinh nghiệm trong công việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Buổi chiều, rước vong linh ông bà về nhà, làm mâm cơm cúng ông bà và mời ông bà tổ tiên ở lại cùng với con cháu.

    Đồng bào Khmer tập trung đến chùa nhân dịp Lễ Sêne Đôlta

    - Ngày thứ ba (ngày tiễn ông, bà): Từng hộ gia đình chuẩn bị một mâm cơm, bánh, trái, hoa tươi,.. để cúng ông bà, sau đó tổ chức các nghi thức tiễn đưa ông, bà, họ làm một chiếc thuyền bằng bẹ chuối và chuẩn bị các thức ăn gồm có: gạo, muối, tiền và các vật dụng khác đặt trên thuyền với quan niệm để ông, bà ăn uống dọc đường, xong họ mang chiếc thuyền thả trên dòng sông gần nhà và cầu nguyện cho ông, bà về với thế giới bên kia được an toàn.
    Tóm lại: Lễ Sêne Đôlta là dịp để đồng bào dân tộc Khmer tỏ lòng thành kính, tưởng niệm, báo hiếu đến ông bà, tổ tiên, những người có nhiều công đức đối với quê hương, đất nước. Kế thừa truyền thống dân tộc và phát huy truyền thống cách mạng, trong mùa Lễ Sêne Đôlta hàng năm, đồng bào và chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer Trà Vinh đã gắn kết việc báo hiếu ông bà, tổ tiên với việc tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tri ân công lao to lớn của các vị anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng Việt Nam./.

Bài viết: Kim Đạt

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 30
  • Trong tuần: 205
  • Tất cả: 1182802
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN DÂN TỘC TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh
- Địa chỉ: Số 10, đường 19 tháng 5, K2, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh
- Email:bdt@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3852478. Fax: 0294.3851924
- Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT