Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh tổ chức Tọa đàm chính sách bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019
        Trong 02 ngày 22 và 23/8/2019, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị Tọa đàm  chính sách bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019 tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, Cầu Kè cho các đối tượng Trưởng Ban nhân dân, Mặt trận, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Chi đoàn ấp, khóm, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Kiên Banh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh phát biểu mục đích, yêu cầu cuộc Tọa đàm bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số


        

Quang cảnh Tọa đàm tại huyện Trà Cú

         Tọa đàm nhằm mục đích tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Bình đẳng giới để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên trong đồng bào dân tộc thiểu số; tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em được sống trong một xã hội an toàn, lành mạnh, giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, phổ biến về quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại; hướng dẫn cho phụ nữ, nữ thanh thiếu niên biết kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, bị bạo lực, bị xâm hại; cung cấp kiến thức pháp luật, kỹ năng để thực hiện các quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong đồng bào dân tộc thiểu số.

        Đồng chí Kiên Banh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, chủ tọa hội nghị đề nghị đại biểu dự Tọa đàm tập trung làm rõ một số nội dung như việc triển khai, tuyên truyền vận động hội viên và gia đình của các ngành, các cấp liên quan đến bình đẳng giới thời gian qua thì việc nhận thức của anh, chị em có phần ưu điểm, hạn chế như thế nào? Nguyên nhân hạn chế cũng như đạt được đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới. Tại địa phương, hội viên, gia đình, ấp, khóm và tổ do các đồng chí đang quản lý có bao nhiêu vụ việc bất bình đẳng giới nói chung, trong đó có bao nhiêu vụ đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt 8 lĩnh vực Bình đẳng giới gồm Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế; Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động; Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ;  Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế; Bình đẳng giới trong gia đình.

        Đại biểu dự Tọa đàm thảo luận rất nhiều ý kiến nhưng xoay quanh chủ yếu các vụ việc chồng uống rượu say không tích cực lao động sản xuất, đánh đập vợ con; không cho vợ, con tham gia Hội viên đoàn thể; Một số trẻ em cha mẹ kiểm soát không chặt chẽ do sinh đông con, ít được học hành đến nơi đến chốn; Một số hộ trọng nam, khinh nữ, nam cho đi học cao hơn nữ; Hộ nghèo cho con nghỉ học sớm hoặc bỏ học giữa chừng, họ cho rằng học tốt nghiệp đại học rồi không có việc làm là nguyên nhân dẫn đến nghèo không thoát được; Công tác tuyên truyền gặp khó khăn vì nếu mời người dân đến dự mà không có tiền xăng thì dân không đến, trong các buổi truyên truyền khi được địa phương mời hầu hết là nữ giới đi dự, nam giới đi dự rất ít, trong lúc thảo luận thì nữ giới ít tham gia phát biểu ý kiến nên địa phương không nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân; Đề nghị tổ chức tuyên truyền bình đẳng giới mở rộng đối tượng và tổ chức tại trụ sở ban nhân dân ấp, khóm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến dự; thông tin không được kiểm duyệt mạng internet là nguyên nhân dẫn đến xâm hại tình dục trẻ em; xem xét cơ cấu tăng tỷ lệ đại biểu nữ Hội đồng nhân dân cho tương xứng với tỷ lệ nữ hiện có.

       Hầu hết việc uống rượu say không tích cực lao động sản xuất, hành hạ vợ con, không thực hiện kế hoạch hóa gia đình,.... đã được đoàn thể ấp, xã tận tình tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục giúp cho hội viên nâng cao nhận thức và nhận ra lỗi của bản thân, từ đó khắc phục sửa chữa, biết tranh thủ thời gian phụ giúp gia đình, ít rượu chè, thấy được trách nhiệm và tích cực tham gia cùng đoàn thể thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm đối với gia đình nuôi dạy con học ở các bậc học cao hơn.



Bà Lâm Thị Bách Thảo, Chi hội phụ nữ ấp Chợ, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú chia sẻ bạo lực gia đình chồng uống rượu say hành hạ vợ, con



Ông Thạch Mạnh Hùng, Cựu chiến binh ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc,huyện Châu Thành phát biểu nhờ có chính sách bình đẳng giới
và Hội Cựu chiến binh họp lệ hàng tháng có lồng ghép 
 các nội dung về bình đẳng giới nên ít có vụ bạo lực  gia đình



Huỳnh Thị Thanh Trúc, phụ nữ ấp Giữa, xã Kim Hòa, Cầu Ngang tích cực vận động nhiều hộ kế hoạch hóa gia đình 



Trương Thị Mỹ Thanh, Ban nhân dân khóm 2, Thị trấn Cầu Kè
đề nghị xem xét tăng  tỷ lệ cơ cấu đại biểu nữ Hội đồng nhân dân
               cho tương xứng với tỷ lệ nữ hiện có

       Qua Tọa đàm, nhiều đại biểu đề nghị mở rộng các cuộc tuyên truyền và tọa đàm bình đẳng giới đến từng ấp, khóm để mọi người dân được nghe, hiểu góp phần hạn chế bất bình đẳng giới trên từng địa bàn.

       Đồng chí Kiên Banh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh kêu gọi trong thời gian tới, các hội viên đoàn thể cần phối hợp đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền về chủ đề, các thông điệp và các hoạt động phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên các buổi họp, hội thảo. Tăng cường các tin, bài phản ánh các nội dung hưởng ứng phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên và người dân hiểu bằng nhiều hình thức như tổ chức treo băng rôl, tờ bướm, khẩu hiệu tuyên truyền tại các nơi công cộng và tại nơi sinh hoạt tổ, hội; Tuyên truyền về những điển hình những nạn nhân đã lên tiếng vì bất bình đẳng giới và những tấm gương đã được chứng kiến, lên tiếng chia sẻ, giúp đỡ đối với phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Tuyên truyền về các tập thể và cá nhân thực hiện tốt công tác Vì sự tiến bộ của nữ thanh niên, các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm làm tốt công tác tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực hiện công tác vì sự tiến bộ của nữ thanh niên và trẻ em và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Tổ chức sơ kết trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình không bạo lực.

       Nhìn chung, hoạt động bình đẳng giới năm 2019 Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì tuyên truyền được 07 cuộc có 900 đại biểu tham dự và 04 cuộc tọa đàm với 359 đại biểu tham dự, trong tháng 9/2019 Ban Dân tộc sẽ tiếp tục tuyên truyền hoạt động bình đẳng giới mô hình điểm tại xã Đa Lộc, huyện Châu Thành 01 cuộc với số lượng 120 đại biểu tham dự, đồng thời hiện nay Ban đang phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh xây dựng 02 phóng sự về bình đẳng giới đặc thù bằng tiếng Khmer để cùng chung tay góp phần tuyên truyền thực hiện tốt hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh./.

                     Bài, ảnh:Thanh Lộc, PTTPL
Tin khác
1 2 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 30
  • Trong tuần: 205
  • Tất cả: 1182802
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN DÂN TỘC TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh
- Địa chỉ: Số 10, đường 19 tháng 5, K2, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh
- Email:bdt@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3852478. Fax: 0294.3851924
- Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT