Nhìn lại 05 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TU, ngày 16/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa IX) về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011-2015.

    Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 2.390 km2, có 65 km bờ biển, toàn tỉnh có 07 huyện, 01 thành phố và 01 thị xã với 106 xã, phường, thị trấn. Dân số trên 01 triệu người, với 03 dân tộc chính: Kinh, Khmer, Hoa, trong đó, dân tộc Khmer chiếm tỉ lệ 31,5%. Đồng bào dân tộc Khmer đại đa số theo Phật giáo Nam tông Khmer, toàn tỉnh có 143 chùa Khmer, với 3.303 vị sư (Hòa thượng 22, Thượng tọa 57, Tỳ kheo 1.592, Sadi 1.632). 

    Những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành bạn, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự chủ động, tích cực của các sở, ban, ngành trong tham mưu và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc, ngày 09/9/2011 Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa IX) về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Nghị quyết số 03) và Kết luận số 01-KL/TU, ngày 16/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa IX) về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Kết luận số 01), nhằm thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh với kết quả cụ thể:

    Về lĩnh vực kinh tế: Hạ tầng giao thông trong vùng đồng bào dân tộc được đầu tư nâng cấp. Triển khai xây dựng trên 654 công trình, dự án cầu, đường, giao thông nông thôn, với kinh phí thực hiện trên 2.098 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh tranh thủ từ Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đầu tư xây dựng 31 dự án cầu, đường, kinh phí thực hiện 02 tỷ đồng, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa khu vực vùng nông thôn. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai xây dựng 589 dự án cầu, đường giao thông nông thôn, kinh phí thực hiện 9.478 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; Triển khai xây dựng 34 công trình từ nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len, kinh phí thực hiện 29,86 tỷ đồng; Triển khai dự án cung cấp điện cho các hộ chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer đạt 97,60%; Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vận động đồng bào chuyển đổi sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình điều kiện thực tế tại địa phương, chú trọng xây dựng kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, toàn tỉnh có 01 Liên hiệp hợp tác xã và 169 hợp tác xã (gồm: 122 hợp tác xã nông nghiệp, 31 hợp tác xã phi nông nghiệp, 16 quỹ tín dụng) với tổng số thành viên 28.884 người, trong đó có 34 hợp tác xã nằm trong vùng đồng bào Khmer hoạt động có hiệu quả; Triển khai 02 đề tài nghiên cứu chuyển giao khoa học - công nghệ cấp tỉnh, kinh phí thực hiện 2.296,92 triệu đồng; triển khai 03 dự án do Trung ương quản lý, kinh phí 18.502,62 triệu đồng; Công tác xúc tiến mời gọi đầu tư trong vùng đồng bào Khmer luôn được quan tâm đẩy mạnh, có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức như duy trì các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp, tỉnh đã thu hút được 255 dự án (237 dự án trong nước và 18 dự án đầu tư nước ngoài), trong đó thu hút đầu tư vào vùng dân tộc Khmer 152 dự án (143 dự án trong nước, với tổng mức đầu tư 75.940 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5.823 lao động; 09 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng mức đầu tư 200 triệu USD, giải quyết việc làm cho 3.470 lao động).

    Về Văn hóa: Các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer luôn được giữ gìn và phát huy. Toàn tỉnh có 47 di tích được công nhận (15 di tích cấp quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh), 03 di tích phi vật thể, 01 di tích danh lam thắng cảnh Ao Bà Om; 01 di tích khảo cổ quốc gia; 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Sa dam, 35 đội múa chằn, 40 đội bóng chuyền và 08 đội ghe Ngo, 01 Nhà bảo tàng trưng bày hơn 1.000 hiện vật thể hiện văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán và truyền thống đoàn kết đấu tranh của Nhân dân tỉnh Trà Vinh. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tổng số hộ được công nhận gia đình văn hóa đạt 93,37%; công nhận ấp, khóm văn hoá đạt 94,04%; Quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình, kịch bản của Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hàng năm tổ chức in và phát hành 02 số nội san văn hóa bằng chữ Khmer với số lượng 2.400 bản.

    Về giáo dục: Công tác giáo dục - đào tạo luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện; mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trường được tăng cường đầu tư xây dựng, góp phần đào tạo nâng cao dân trí trong vùng đồng bào Khmer. Toàn tỉnh hiện có 213.672 học sinh, trong đó 75.492 học sinh dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ 35,33%; Có 08 trường Dân tộc nội trú, 01 trường trung cấp Pali Khmer; Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trường được tăng cường đầu tư xây dựng, góp phần đào tạo nâng cao dân trí trong đồng bào dân tộc. Hiện nay số phòng học được kiên cố hóa 6.933/7.879 phòng, chiếm tỷ lệ 87,99% và các xã trong vùng dân tộc Khmer có trường mẫu giáo đạt tỷ lệ 100%. Việc dạy và học chữ Khmer được duy trì và phát triển, toàn tỉnh có 134/143 chùa tổ chức dạy học chữ Khmer dịp hè, có 16.736 học sinh.

     Về Y tế: Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong vùng có đông đồng bào Khmer được các ngành, các cấp quan tâm. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Chất lượng khám và điều trị bệnh cho Nhân dân từng bước được nâng lên, đội ngũ cán bộ y tế từng bước được củng cố, hầu hết các trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực trong vùng có đông đồng bào Khmer đều có bác sĩ phục vụ khám chữa bệnh. Toàn tỉnh có 125 cơ sở khám, chữa bệnh; có 791 bác sĩ (270 người dân tộc Khmer); 428 Y sĩ (136 người dân tộc Khmer); 916 Điều dưỡng (46 người dân tộc Khmer); 383 Dược sỹ (39 người dân tộc Khmer); 230 Nữ hộ sinh (47 người dân tộc Khmer); tỷ lệ trạm y tế cấp đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 100%; tỷ lệ số dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,21%, trong đó có 198.508 người là dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn (chiếm 19,67% dân số) và 94,73% tỷ lệ dân số Khmer tham gia bảo hiểm y tế; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh người nghèo đồng bào dân tộc Khmer, kinh phí thực hiện 28.502 triệu đồng.

    Về thực hiện chính sách tôn giáo: Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể luôn quan tâm và tạo điều kiện cho cho các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định pháp luật, trong đó có Phật giáo Nam tông Khmer; hỗ trợ 7,46 tỷ đồng cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh, cơ sở tôn giáo có công với cách mạng để trùng tu, xây dựng chánh điện; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho hội tự nguyện, đặc thù của các tổ chức tôn giáo với số tiền 1,3 tỷ đồng; xây dựng 22 Nhà hỏa táng cho 18 điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer và 04 cụm dân cư, kinh phí 16.500 triệu đồng, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 149 Nhà hỏa táng tại 142 điểm chùa và 07 cụm dân cư. Đồng thời, đang xây dựng 01 cơ sở hỏa táng hiện đại cho đồng bào Khmer tại huyện Tiểu Cần với kinh phí 41,9 tỷ đồng.

Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thăm, tặng quà người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang

    Về thực hiện chính sách dân tộc: Công tác chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào Khmer được cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả cụ thể như: Chương trình 135 đầu tư xây dựng 308 công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ 3.833 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, mở 186 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng, tổng kinh phí thực hiện 225.655 triệu đồng; thực hiện Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, đã hỗ trợ 199.934 lượt hộ, kinh phí 25.730,88 triệu đồng; hỗ trợ đất ở cho 3.063 hộ, kinh phí thực hiện 98.260 triệu đồng theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; giải ngân 3.604 hộ đồng bào dân tộc Khmer để xây dựng Nhà ở theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ; giải ngân vốn vay cho 811 hộ phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề, số tiền 26.000 triệu đồng theo Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ 15.474 hộ về nước sinh hoạt hợp vệ sinh, số tiền 20.110 triệu đồng theo Quyết định số 755 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỷ lệ hộ dân tộc Khmer sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,51%; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135 cho 5.706 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, kinh phí thực hiện 63.932 triệu đồng; Thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ “về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”, tỉnh đã công nhận 2.650 lượt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, thăm hỏi khi bị ốm đau, viếng khi mất, tổ chức đưa người có uy tín đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh và thủ đô Hà Nội, tham gia chương trình Lễ tôn vinh với chủ đề “Điểm tựa của bản làng”, dự lễ Tuyên dương người có uy tín tại thủ đô Hà Nội, kinh phí thực hiện 4.385 triệu đồng; Tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số được 352 cuộc hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có 24.242 đại biểu tham dự; phát hành 42.140 tài liệu, tờ gấp và 1.900 sổ tay hướng dẫn và hỏi đáp pháp luật để tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên; Cấp phát báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn 1.115.974 tờ, cuốn ấn phẩm, báo tạp chí; Hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí 72.464 triệu đồng.

    Về xây dựng hệ thống chính trị và Quốc phòng, an ninh: Hệ thống chính trị trong vùng đồng bào dân tộc từng bước được củng cố; hiệu lực quản lý, năng lực điều hành ngày càng được nâng lên. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Hiện nay tổng số cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số toàn tỉnh 4.848/22.664 người, chiếm tỷ lệ 21,39%. Tình hình an ninh chính trị, trật t an toàn xã hội trong vùng đồng bào Khmer cơ bản ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế nhất định, kinh tế tuy có phát triển, nhưng một số ngành, lĩnh vực chuyển biến chậm, đời sống của một bộ phận đồng bào Khmer còn khó khăn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát; lao động thiếu việc làm và chưa có việc làm ổn định còn nhiều; tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, triều cường, sạt sở; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là gần đây, tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào Khmer...; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn cao.

    Để tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

    Đẩy mạnh công tác triển khai, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, công tác phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là Kế hoạch số 81-KH/TU, ngày 23/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đến các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.

     Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer thông qua các chương trình, dự án của Trung ương, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở. Tăng cường hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để khai thác có hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, nhất là khu vực nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Hình thành mô hình liên kết giữa nghiên cứu - triển khai - ứng dụng - sản xuất, kinh doanh thông qua cơ chế đặt hàng và hợp đồng tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán của dân tộc. Hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao, có thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

    Quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc Khmer, phát triển ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc Khmer. Tập trung xây dựng Tổ hợp tác, Hợp tác xã, triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở vùng đồng bào dân tộc Khmer; Đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất; nâng cấp, mở rộng các công trình hiện có, kết hợp với đầu tư xây dựng mới, phát huy hiệu quả các công trình lớn do Trung ương đầu tư trên địa bàn, bảo đảm ứng phó với biến đổi khí hậu, vận hành đồng bộ phục vụ sản xuất đa canh, phát huy tốt lợi thế diện tích đất giồng, triền giồng và cải tạo đất giồng tạp, vườn tạp.

    Tiếp tục nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Khuyến khích đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa và đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc Khmer; tu bổ, bảo tồn và phát huy các công trình di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào gắn với phát triển du lịch; Khuyến khích việc sưu tầm, sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật ca ngợi truyền thống đoàn kết, phản ánh cuộc sống của đồng bào trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Nâng cao chất lượng tin, bài Báo Trà Vinh tiếng Khmer, chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer, Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, Làng văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; tăng cường thời lượng phát sóng bằng tiếng Khmer trong các chương trình phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí.

     Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, quan tâm đầu tư, duy trì và nâng cao chất lượng việc dạy và học chữ Khmer, chữ Pali trong các trường phổ thông, Trường Trung cấp Pali - Khmer; đồng thời, hỗ trợ việc dạy, quản lý đối với nội dung, chương trình dạy và học ngữ văn Khmer, Pali, giáo lý trong các chùa Phật giáo Nam tông Khmer; Củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác giảng dạy, giải quyết các vướng mắc về chế độ, chính sách cho giáo viên. Thực hiện tốt chế độ cử tuyển và phân công hợp lý cho sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sinh viên dân tộc có hoàn cảnh khó khăn theo học các trường đại học. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên người dân tộc Khmer để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Tiếp tục quan tâm đầu tư nâng tầm Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh.

    Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và các dịch vụ y tế; phát triển y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại; đẩy mạnh phát triển y tế dự phòng, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế; tập trung đầu tư, nâng cấp các bệnh viện, trạm y tế tại vùng đồng bào dân tộc Khmer; phấn đấu để mỗi người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, nâng dần tỷ lệ người dân có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao. Kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế về số lượng, chất lượng, có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ y tế phục vụ ở vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; các bệnh viện cần duy trì bố trí phòng bệnh dành riêng cho các vị sư sãi Khmer; nâng cao tinh thần y đức nghề nghiệp và thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế, nhất là y, bác sĩ trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế, có cơ chế đào tạo bác sĩ chuyên khoa là người dân tộc Khmer.

    Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, tiếp cận các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo, vùng đồng bào dân tộc Khmer, bảo đảm đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; tăng cường công tác nắm tình hình, sâu sát cơ sở; phát huy tốt vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc, kịp thời phát hiện, hòa giải, giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện tại cơ sở, không để phát sinh những vấn đề phức tạp, vượt cấp, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật t an toàn xã hội trong vùng đồng bào Khmer.

   Thực hiện hiệu quả công tác quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc Khmer vững mạnh, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, trọng dân và hết mực phục vụ dân”; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới.

    Thực hiện tốt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; có giải pháp cụ thể, hiệu quả bảo đảm tỷ lệ cán bộ dân tộc Khmer trong cấp ủy và cơ quan dân cử các cấp; chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là người dân tộc Khmer, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có đủ năng lực, đủ đức, đủ tài, đặc biệt phải đọc, viết thông thạo Ngữ văn Khmer và am hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc, bảo đảm kế thừa cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp của mỗi nhiệm kỳ về số lượng, chất lượng; quan tâm đào tạo sau đại học đối với các đồng chí cán bộ dân tộc Khmer được đánh giá có triển vọng tốt. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường cán bộ cho Phòng Dân tộc cấp huyện đủ sức hoạt động, có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới./.

Bài, ảnh: Ngọc Tấn-PTTPL

Tin khác
1 2 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 659
  • Tất cả: 1182349
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN DÂN TỘC TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh
- Địa chỉ: Số 10, đường 19 tháng 5, K2, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh
- Email:bdt@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3852478. Fax: 0294.3851924
- Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT