Kết quả thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã và đang thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu, trong đó chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016. Theo đó, mục tiêu của Đề án là tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về  đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 1742/QĐ-UBND ngày 19/9/2017 về việc phê duyệt Đề án thực hiện Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Theo Đề án, toàn tỉnh15.744 hộ nghèo có nhu cầu thụ hưởng chính sách, với tổng kinh phí 458.850 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 62.818 triệu đồng; Vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 389.899 triệu đồng; Ngân sách địa phương 6.133 triệu đồng. Cụ thể: 227 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở, với diện tích dự kiến hỗ trợ là 4,73 ha; 648 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, với diện tích dự kiến hỗ trợ là 86,61 ha; 9.352 hộ có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề; 5.192 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt; 325 hộ có nhu cầu hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển kinh doanh.

Theo Công văn số 802/UBDT-CSDT ngày 23/7/2018 của Ủy ban Dân tộc về rà soát lại nhu cầu vốn, sau khi rà soát nhu cầu số hộ thụ hưởng chính sách, nhu cầu kinh phí theo từng nội dung chính sách thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh có 11.739 hộ (giảm 4.005 hộ), cụ thể: 161 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở (giảm 66 hộ so với Đề án, do hộ đã thoát nghèo, hộ đã hưởng lợi theo Quyết định 11/QĐ-UBND tỉnh hoặc hộ đã được người thân cho đất cất nhà ở theo Quyết định 33); 7.044 hộ có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề (giảm 2.308 hộ so với Đề án, do hộ đã thoát nghèo hoặc đã vay vốn đủ định mức quy định; không đủ điều kiện vay vốn); 163 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất (giảm 485 hộ so với Đề án, do hộ đã thoát nghèo hoặc địa phương không có quỹ đất để hỗ trợ nên đã chuyển sang thực hiện chính sách chuyển đổi nghề); 3.935 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt (giảm 1.257 hộ so với Đề án, do hộ đã thoát nghèo; hộ đã hưởng chính sách hỗ trợ nước phân tán theo Quyết định số 755/QĐ-TTg..); 436 hộ có nhu cầu hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển kinh doanh (tăng 111 hộ, do không mua được đất sản xuất chuyển sang).

Ngày 04/5/2019, UBND tỉnh phân bổ 5.313 triệu đồng thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở cho 161 hộ. Tuy nhiên, qua triển khai, rà soát lần II (năm 2019)  hộ được thụ hưởng về đất ở toàn tỉnh còn lại 55 hộ đủ điều kiện hỗ trợ đất ở, giảm 106 hộ không đủ điều kiện giải ngân do hộ đã thoát nghèo; hộ được gia đình cho đất ở và được cất nhà ở ổn định; hộ không có ở địa phương; hộ được hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 167; hộ đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 29; có đất ở không có nhu cầu hỗ trợ.

Giai đoạn 2017-2020, triển khai thực hiện Đề án từ nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ, ngân sách địa phương bố trí trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ gồm: Hỗ trợ đất ở cho 43/55 hộ từ nguồn ngân sách địa phương, diện tích đất hỗ trợ 0,888 ha, với số tiền 1.419 triệu đồng (33 triệu đồng/hộ), đạt tỷ lệ 78,18% (12 hộ do thoát nghèo hoặc phải mua đất trong vùng quy hoạch đất ở nên giá đất cao và hộ không có khả năng đối ứng để mua đất); Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 717/1.235 hộ từ nguồn vốn ngân sách trung ương với số tiền 1.075,50 triệu đồng, đạt tỷ lệ 58,05% kế hoạch, giảm 518 hộ so với kế hoạch được phê duyệt (do hộ đã thoát nghèo hoặc hưởng lợi từ các chính sách khác). Để các đối tượng được thụ hưởng có thêm kinh phí, có điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phân bổ vốn vay 50.400 triệu đồng, cho 1.576 hộ vay vốn với số tiền 51.144 triệu đồng, đạt 101,47% vốn phân bổ (744 triệu đồng vốn thu hồi từ các chính sách khác chuyển sang).

Người dân mở rộng phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn của Đề án.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án theo quyết định 2085/QĐ-TTg đã khẳng định được tính thiết thực, hiệu quả của Đề án. Từng bước góp phần tạo điều kiện cho hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn tăng gia phát triển sản xuất; chủ động hơn về nguồn nước trong sinh hoạt, nhất là vào mùa khô từ đó mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới. Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm gần 4%, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm.

Thông qua các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tạo được lòng tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Cùng với sự tác động của các chính sách dân tộc làm cho đời sống vật chất tinh thần của đồng bào được nâng lên, truyền thống đoàn kết dân tộc được phát huy, tư tưởng xã hội ổn định tạo điều kiện giữ vững ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội.

 

Tin, ảnh: Minh Hiếu - Phòng CSDT.

Tin khác
1 2 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 420
  • Trong tuần: 10 608
  • Tất cả: 1172320
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN DÂN TỘC TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh
- Địa chỉ: Số 10, đường 19 tháng 5, K2, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh
- Email:bdt@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3852478. Fax: 0294.3851924
- Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT