Nhìn lại 10 năm (2011-2021) thực hiện chính sách đối với người có uy tín và công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

    Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 2.341 km2, có 07 huyện, 01 thành phố và 01 thị xã; 106 xã, phường, thị trấn. Dân số 1,1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer 318.231 người, chiếm tỉ lệ 31,53%, dân tộc Hoa 6.632 người, chiếm 0,65% và 484 người là dân tộc thiểu số khác.

    Đồng bào Khmer sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, một bộ phận làm dịch vụ, mua bán nhỏ, lao động trong các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, còn lại là lao động công nhật giản đơn. Đại đa số đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông Khmer, toàn tỉnh có 143 chùa Khmer, với 3.303 vị sư (Hòa thượng 22, Thượng tọa 57, Tỳ kheo 1.592, Sadi 1.632). Đồng bào Hoa sinh sống chủ yếu tập trung ở các trung tâm thành thị, có điều kiện hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ, làm nghề tiểu thủ công nghiệp và một số ít sản xuất nông nghiệp; có 27 cơ sở tôn giáo trong đồng bào Hoa. Một số ít dân tộc Chăm (có 01 Thánh đường Hồi giáo tại thành phố Trà Vinh) và người Ấn sống đan xen với dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở huyện Càng Long và thành phố Trà Vinh, sinh sống bằng nghề thủ công, mua bán nhỏ.

    Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến khối đại đoàn kết dân tộc, chăm lo phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Một trong những nhiệm vụ được quan tâm là xây dựng đội ngũ người có uy tín mẫu mực, làm cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân, làm chỗ dựa tin cậy, vững chắc của các cơ quan chức năng. Với tầm quan trọng đó, Thủ tướng Chính phủ lần lượt ban hành các Quyết định như: Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính Phủ về “chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”; Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg, ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính Phủ, “Về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ”; Quyết định số 2561/QĐ-TTg, ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số”; Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Quán triệt sâu sắc tinh thần các quyết định trên, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định công nhận 4.243 lượt người có uy tín trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2021.

    Những người có uy tín được bình chọn là những người tiêu biểu, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan tỏa trong cộng đồng như: Các đồng chí cách mạng lão thành, cán bộ hưu trí, các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ban quản trị chùa, cán bộ đương chức đang công tác tại ấp, khóm và những người sản xuất, kinh doanh giỏi. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tuy có nguồn gốc xuất thân, trình độ học vấn khác nhau nhưng hầu hết đều có một điểm chung đó là những người được cộng đồng tôn vinh, kính phục, bầu chọn và lấy đó là tấm gương để học tập noi theo. Ở mức độ rộng hơn, trong đời sống cộng đồng, người có uy tín có vị trí và vai trò quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên những phương diện khác nhau, đồng bào dân tộc thiểu số xem những người có uy tín là cánh chim đầu đàn, người đầu tàu trong sự vận hành của xã hội như: duy trì và giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào, ổn định trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới, thực hiện giải quyết các mối quan hệ trong cộng đồng với hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước ở địa phương. Nói một cách khác hơn, đội ngũ những người có uy tín chính là những cầu nối quan trọng giúp gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân.

    Hàng năm vào những ngày lễ, tết, nhất là dịp lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc, Đảng và Nhà nước ta thông qua cấp ủy, chính quyền các cấp đến thăm hỏi, tặng quà đối với người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán của đồng bào Kinh, Hoa; Chôl Chnam Thmây, Sêne Đôlta của đồng bào Khmer và Tết Haji của đồng bào Chăm; tổ chức thăm hỏi, động viên người có uy tín khi bị ốm đau, qua đời. Đồng thời, để người có uy tín được học hỏi kinh nghiệm, tham quan học tập các mô hình hay. Song song đó, hàng năm Ban Dân tộc phối hợp với các ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đưa người có uy tín tham quan học tập kinh nghiệm một số tỉnh thành và thủ đô Hà Nội; tổ chức tuyên dương đối với những người có uy tín có thành tích xuất sắc qua các phong trào; tổ chức đưa người có uy tín dự Chương trình lễ tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới với chủ đề “Điểm tựa của bản làng”’; tổ chức mở các lớp tập huấn, cung cấp kịp thời các thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt việc cấp ấn phẩm báo, tạp chí nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho người có uy tín trong hoạt động công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.

    Ngoài ra, mỗi ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ sẽ hợp tác, cộng tác với đội ngũ những người có uy tín theo cách khác nhau và với mục đích khác nhau. Mặt trận tổ quốc thông qua những người có uy tín để phát động, triển khai thực hiện các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng đời sống mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Ngành Dân vận thông qua những người có uy tín để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân, vận động Nhân dân thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngành Dân tộc thông qua đội ngũ những người có uy tín để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để triển khai thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo được tốt hơn. Các ngành Công an, Biên phòng thông qua đội ngũ những người có uy tín để nắm bắt tình hình cơ sở, phát động và triển khai các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Ông Kiên Ninh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thăm, tặng quà người có uy tín trên địa bàn xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú nhân dịp Tết Chôl Chnam Thmây năm 2021 của đồng bào Khmer

    Xác định được vị trí, vai trò của mình đối với Đảng, Nhà nước và trách nhiệm đối với cộng đồng dân cư, người có uy tín không ngần ngại khó khăn, đã đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, vận động từng người tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, tranh thủ các ngày quy y (theo đạo Phật) trong tháng, các dịp lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, buổi khai giảng lớp ngữ văn Khmer, các kỳ thi sơ cấp, trung cấp Phật học… để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc, tôn giáo được 3.500 cuộc có 184.508 lượt người dự, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; giáo dục gia đình, người dân không vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta.

Ông Kiên Banh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh báo cáo bài tại hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Châu thành

    Người có uy tín giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc như các lễ hội, Tết cổ truyền của dân tộc, các phong tục tập quán tốt đẹp, tổ chức sưu tầm và giữ gìn các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc; nhiều loại hình nghệ thuật, các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer được công nhận là các di sản, di tích gồm: 03 di sản phi vật thể cấp quốc gia (Lễ hội Ok Om Bok, chầm riêng Chà Pây, nghệ thuật Rô Băm), 01 di tích danh lam thắng cảnh Ao Bà Om, 01 di tích khảo cổ quốc gia (Bờ lũy chùa Lò Gạch, ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành), 01 Nhà bảo tàng trưng bày được hơn 1.000 hiện vật thể hiện văn hóa, trang phục truyền thống, lao động sản xuất, tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán và truyền thống đoàn kết đấu tranh của Nhân dân tỉnh Trà Vinh, đặc biệt là tỉnh đang tập trung xây dựng làng văn hóa Khmer; tỉnh có 01 trường Trung cấp Pali Khmer và 08 trường Phổ thông Dân tộc Nội trú; Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh; chùa Phước Minh Cung nơi tín ngưỡng đời sống tâm linh từ lâu đời của cộng đồng người Hoa được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia; Một số vị người có uy tín tham gia trực tiếp giảng dạy ngữ văn Khmer và phật học tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer; vận động mở các lớp dạy ngữ văn Khmer trong dịp hè cho con, em đồng bào dân tộc. Song song đó, các cơ sở thờ tự tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số luôn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp.

     Người có uy tín luôn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất trồng để tăng diện tích cây trồng, hiến đất làm đường giao thông; Tham gia với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào, làm tốt vai trò nòng cốt trong các phong trào như: phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Kết quả đã đóng góp cho các phong trào của địa phương như: xây dựng được 129 mô hình kinh tế hộ theo hướng phát triển bền vững, hướng dẫn, động viên 1.530 hộ làm theo; tham gia cùng chính quyền địa phương thành lập 04 tổ hợp tác đan đát, có 54 hộ tham gia; 05 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, 04 mô hình trồng rau an toàn, 02 mô hình trồng ớt chỉ thiên ở các xã: Trường Thọ, Hiệp Hòa, Nhị Trường, Mỹ Hòa, Long Sơn (Cầu Ngang); Thành lập 56 mô hình tổ tự quản giảm nghèo; vận động hỗ trợ hộ nghèo 187 căn nhà tình thương, 03 giếng khoan, kinh phí thực hiện 5.625 triệu đồng; Hỗ trợ kéo nước sinh hoạt 670 hộ nghèo với kinh phí 855 triệu đồng; vận động được 4,12 tấn gạo, 3.474 triệu đồng để hỗ trợ 6.348 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; Vận động cho hộ nghèo mượn 157.450 m­­2 đất để sản xuất; Hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học 1.277 triệu đồng; vận động 6.277 triệu đồng, 15.417 ngày công lao động, Nhân dân hiến 149.072 m2 đất, hoa màu để thực hiện các công trình giao thông nông thôn, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn tỉnh; Vận động mạnh thường quân tài trợ mổ mắt miễn phí cho người nghèo được 303 ca với tổng kinh phí trên 1.974 triệu đồng, xây dựng 4.831,6m đường và 20 cầu giao thông nông thôn với tổng kinh phí 1.739 triệu đồng; đóng góp lắp đặt 527 trụ đèn đường với tổng kinh phí 650 triệu đồng và đã tham gia xây dựng 69 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

    Bằng kinh nghiệm, uy tín của bản thân, người có uy tín tham gia hòa giải kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”, “điểm phức tạp”; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm. Trong giai đoạn 2011-2021, người có uy tín tham gia hòa giải ở cơ sở được 1.577 cuộc, trong đó 903 cuộc hòa giải thành, cảm hóa 915 đối tượng hòa nhập với cộng đồng; vận động quỹ cho câu lạc bộ hòa nhập cộng đồng 150 triệu đồng; tham gia tố giác 47 tội phạm; vận động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm 151 cuộc, với 4.369 lượt người tham gia; vận động 98 thanh niên nhập ngũ. Đồng thời, cung cấp trên 163 nguồn tin có giá trị, phản bác 165 tin đồn xấu phục vụ yêu cầu công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương. Tham gia 448 cuộc họp, đề xuất 2.322 ý kiến với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác phát triển đảng viên, xây dựng phát triển các hội.

    Qua 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền tích cực chỉ đạo, triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tập hợp người có uy tín, xây dựng được lực lượng nòng cốt vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện để người có uy tín phát huy tốt vai trò trên các lĩnh vực đời sống xã hội, hướng dẫn, động viên đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

    Có thể khẳng định rằng, với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, người có uy tín luôn thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình thật sự là “cánh tay” nối dài của Đảng trong công tác vận động quần chúng, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số và giúp đồng bào ổn định đời sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; giáo dục gia đình, người thân, cộng đồng nơi cư trú không vi phạm pháp luật, phòng chống các tệ nạn xã hội, cảnh giác với mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền xuyên tạc gây chia rẽ mất khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời hướng dẫn người dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Đạt được kết quả nêu trên, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Với vai trò, trách nhiệm đó, người có uy tín thật sự là cầu nối giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương với Nhân dân, là nơi để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số, là kênh tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là điểm tựa của cộng đồng dân cư.

    Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn, các ngành, các cấp trong tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Thường xuyên tuyên truyền, vận động, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người có uy tín, để người có uy tín nắm vững thông tin và tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng phum sróc đoàn kết, bình yên, phát triển tại địa phương. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với người có uy tín; Biểu dương kịp thời người có uy tín có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội, góp phần cùng với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao./.

Bài, ảnh: Ngọc Tấn-Phòng TTPL

Tin khác
1 2 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 29
  • Trong tuần: 742
  • Tất cả: 1182316
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN DÂN TỘC TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh
- Địa chỉ: Số 10, đường 19 tháng 5, K2, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh
- Email:bdt@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3852478. Fax: 0294.3851924
- Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT