Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh quán triệt, triển khai thực hiện một số nội dung mới của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư.
Sáng ngày 31/7/2020, tại Hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Trà Vinh, Sở Nội vụ tổ chức Hội nghị tập huấn, triển khai Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư và Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 03/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2020-2025”.

Nhằm đảm bảo công tác văn thư tại cơ quan được thực hiện kịp thời, đúng quy định, tại cuộc họp giao ban sáng ngày 03/8/2020 Ban Dân tộc quán triệt, triển khai thực hiện một số nội dung mới của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư đến toàn thể cán bộ, công chức thuộc Ban nắm và thực hiện theo quy định.

Quang cảnh cuộc họp triển khai Nghị định số 30

Căn cứ các quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư, Ban Dân tộc tỉnh kiện toàn Quyết định ban hành Quy chế công tác văn thư, lưu trữ năm 2020 để phù hợp quy định hiện hành. Trong đó, quy định rõ thẩm quyền thẩm tra thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, đồng thời giao quyền thẩm tra cho người được giao nhiệm vụ nhằm đảm bảo Quy chế cơ quan được áp dụng vào thực tiễn đơn vị.

I. Một số điểm mới của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP

1. Căn cứ ban hành văn bản:

- Thống nhất trong phạm vi toàn quốc, căn cứ ban hành văn bản được trình bày bằng chữ in thường, kiểu chữ nghiêng đối với 04 loại văn bản hành chính là quyết định, quy định, quy chế, nghị quyết.

- Sau mỗi căn cứ phải xuống dòng, cuối dòng có dấu chấm phẩy (;), dòng cuối cùng kết thúc bằng dấu chấm (.)

2. Đối với văn bản điện tử:

Chỉ có bản gốc văn bản, không có bản chính văn bản.

3. Tên loại văn bản:

- Theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định văn bản hành chính gồm các văn bản sau (29 loại văn bản hành chính): Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy uỷ quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công.

- Trong 29 loại văn bản hành chính trên: không có loại văn bản liên cơ quan. Trường hợp có từ 02 cơ quan phối hợp để ban hành văn bản thì xác định cơ quan chủ trì chính soạn thảo văn bản và cơ quan phối hợp thực hiện. Điểm lưu ý đối với văn bản này là cho số và chữ viết tắt của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản.

- Nghị định số 30/2020/NĐ-CP bổ sung thêm 01 loại văn bản so với Nghị định 09/2010/NĐ-CP Phiếu báo”, đồng thời có 04 loại văn bản chuyên ngành không được quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP là: Bản cam kết, Giấy đi đường, Giấy chứng nhận, Giấy biên nhận hồ sơ.

4. Đánh số trang văn bản:

- Số trang văn bản được đặt ngay giữa theo chiều ngang phần lề trên văn bản, và không hiển thị số trang thứ nhất.

- Số trang văn bản được đánh từ số 01 bằng chữ số Ả Rập, thể hiện bằng kiểu chữ đứng, cỡ chữ 13-14, phông chữ tiếng Việt Times New Roman thống nhất với phông văn bản.

5. Màu mực phông chữ văn bản:

- Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư không quy định màu mực phông chữ văn bản, vì trước đây chỉ thực hiện văn bản giấy. Tuy nhiên, Nghị định 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 quy định rất cụ thể về màu mực phông chữ đối với văn bản điện tử là màu đen để đảm bảo tính trang trọng của văn bản.

- Màu mực ký văn bản giấy bắt buộc là màu xanh để phân biệt bản gốc văn bản giấy và bản gốc văn bản điện tử.

6. Chữ ký số và dấu cơ quan trên văn bản kèm theo

- Khi cơ quan ban hành văn bản kèm theo là kế hoạch, quy chế, quy định... thì văn bản kèm theo không có chữ ký của người có thẩm quyền (chữ ký của người có thẩm quyền chỉ thể hiện trên văn bản). Chẳng hạn: Ban Dân tộc ra Quyết định ban hành Quy chế công tác văn thư, lưu trữ năm 2020 của Ban thì người có thẩm quyền chỉ ký số vào Quyết định, không ký số lên Quy chế kèm theo. 

7. Trách nhiệm soạn thảo văn bản:

- So với các quy định trước đây, trách nhiệm soạn thảo văn bản chưa quy định trách nhiệm của chuyên viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP quy định cụ thể là: “Cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị và trước pháp luật về bản thảo văn bản trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao”. Nghị định này quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng văn bản của chuyên viên được giao soạn thảo cả về mặt nội dung lẫn thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản.

- Trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến quá trình soạn thảo và ban hành văn bản như sau:

+ Trách nhiệm của chuyên viên trực tiếp soạn thảo văn bản.

+ Trách nhiệm của người đứng đầu chủ trì soạn thảo văn bản (người đứng đầu đơn vị).

+ Trách nhiệm của người được giao thẩm định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

+ Trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan.

8. Trách nhiệm trong thẩm định, kiểm tra thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản:

- Người đứng đầu cơ quan quy định cụ thể người có trách nhiệm thẩm định kiểm tra thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc sự tin tưởng mà người đứng đầu cơ quan có thể giao Chánh Văn phòng hoặc người đứng đầu đơn vị kiểm tra, hoặc có thể giao Văn thư kiểm tra.

- Khi giao trách nhiệm thẩm định cho người được giao nhiệm vụ phải mở quyền thẩm định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản trên ioffice, đồng thời phải trao quyền cho người thẩm tra.

9. Kiểm tra văn bản trước khi ban hành

Khoản 1 Điều 12 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định cụ thể: “Người đứng đầu đơn vị soạn thảo văn bản phải kiểm tra và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trước pháp luật về nội dung văn bản”. Nghị định này quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đối với các văn bản do chuyên viên phòng mình soạn thảo nhằm đảm bảo văn bản ban hành chính xác về nội dung cũng như người đứng đầu đơn vị nắm rõ tất cả các văn bản do chuyên viên thực hiện.

II. Các văn bản hết hiệu lực thi hành

Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/3/2020, và thay thế: Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư; Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư, đồng thời các Thông tư hết hiệu lực thi hành như: Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính; Thông tư số 07/2012/TT-BNV ngày 22/11/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ Nội vụ quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức.

 

Tin, ảnh: Ngọc Phượng - Văn phòng Ban dân tộc.

Tin khác
1 2 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 83
  • Trong tuần: 10 271
  • Tất cả: 1171983
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN DÂN TỘC TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh
- Địa chỉ: Số 10, đường 19 tháng 5, K2, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh
- Email:bdt@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3852478. Fax: 0294.3851924
- Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT